Pages

Được tạo bởi Blogger.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Onigiri - Cơm nắm Nhật Bản

Nếu bạn có dịp đến Nhật Bản và muốn ăn thử một món ăn đặc sản của địa phương, hãy đến ngay một cửa hàng tiện ích và thử món cơm nắm được gọi là Onigiri. Cách làm đơn giản, chủng loại phong phú và đây là món ăn chủ đạo trong bất kì hộp cơm trưa Bento nào. Cơm nắm Onigiri với người Nhật giống như bánh sandwich đối với người phương Tây vậy.

Onigiri Nhật bản
Onigiri nói nôm na là cơm được nắm thành những hình dáng thuận tiện cho việc mang đi. Bên cạnh tên gọi “Onigiri” xuất phát từ động từ “nigiru” - tức “nắm” hoặc “nắn” trong tiếng Nhật, nó còn có một tên gọi khác là “Omusubi”. Món ăn cầm tay tiện lợi này bắt nguồn từ rất lâu trong lịch sử và dần phổ biến trong đời sống của người dân vào khoảng thế kỉ thứ 5. Về sau, vào thời đại Edo (từ năm 1603 - năm 1868), phong tục dùng rong biển để cuốn khi ăn được hình thành, trở thành hình thức tiêu biểu cho ẩm thực cơm hộp lúc bấy giờ và sau đó càng đa dạng hơn với nhiều loại khác nhau thường thấy tại các cửa hàng tiện lợi. Đây là một món ăn làm nổi bật sự thơm ngon của gạo bởi sự đơn giản cả trong nguyên liệu lẫn cách chế biến.


LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC

Các tài liệu viết vào khoảng những năm 1600 cho thấy nhiều samurai giữ cơm nắm bọc trong lá tre để dùng cho bữa trưa ăn nhanh vào lúc chiến tranh, nhưng nguồn gốc của onigiri có từ lâu trước đó. Trước khi việc dùng đũa phổ biến vào thời kì Nara, cơm được nắm thành nắm nhỏ để dễ cầm. Vào thời kì Heian, cơm cũng được nắn thành hình tứ giác nhỏ để dễ xếp chồng lên nhau trên đĩa và dễ ăn.
Từ thời kì Kamakura đến đầu thời kì Edo, Onigiri được dùng trong bữa ăn nhanh. Điều này có ý nghĩa vì đầu bếp chỉ cần nghĩ làm thế nào để làm đủ onigiri mà không cần lưu tâm đến việc phục vụ. Onigiri lúc bấy giờ chỉ là nắm cơm có rắc muối. Việc thêm nori vào onigiri chỉ trở nên rộng rãi kể từ thời kì Meiji khi nori được trồng và làm thành tấm mỏng phổ biến.

Trước đây người ta cho rằng onigiri không thể được sản xuất với máy móc vì kĩ thuật nắn thành nắm quá khó để máy móc có thể thực hiện được. Vào những năm 1980, máy làm onigiri hình tam giác được chế tạo. Lúc đầu nó đã phải đương đầu với những người hoài nghi nhờ vào việc thay vì cuộn phủ thứ được thêm vào, thứ thêm vào này chỉ cần được đặt vào lỗ trong onigiri và lỗ này được nori che phủ. Thêm vào đó, onigiri làm bằng máy này luôn được bọc sẵn nori, và sau một thời gian nori trở nên ẩm và dính. Lối bao bọc đã được cách tân bằng cách cho phép nori được bọc riêng biệt với cơm. Vào lúc dùng, người ăn có thể mở gói nori và bọc lên onigiri. Việc thành phần thêm vào onigiri được lắp vào thay vì được cuộn bọc, vốn là một hạn chế, nhưng lại làm cho việc thay đổi thành phần được dễ dàng.

PHÂN LOẠI

Shiomusubi: Loại Onigiri đơn giản nhất chính là “Shiomusubi” - tức chỉ có cơm được nắm với muối. Về các nguyên liệu cho vào trong nhân, tiêu biểu ở Nhật có mơ muối - Umeboshi, cá hồi - Sake hay Okaka (một tên gọi khác của cá bào Katsuobushi). Onigiri có nhiều hình dạng khác nhau, từ hình tròn cho đến hình trụ. Tóm lại không có bất kỳ quy luật nào khi chế biến Onigiri. Bạn có thể cho vào cơm bất cứ món ăn ưa thích nào như gà chiên - Karaage hay trứng cá chuồn - Tobikko và nắm cơm thành các hình dạng tùy thích. Sức hấp dẫn của món ăn này đến từ đặc điểm cơm và món ăn kèm được nắm thành một khối nên ngay cả trẻ em cũng dễ dàng thưởng thức và những người bận rộn không cần tốn nhiều thời gian để chế biến bữa ăn. Nếu gặp khó khăn trong việc nắm cơm bằng tay, bạn có thể sử dụng những khuôn chuyên dụng dành cho Onigiri.

Ten-musu (cơm nắm tempura): Đặc sản vùng Nagoya với phần nhân gồm một con tôm chiên – Ebi no tenpura và bên ngoài là lá rong biển được quấn theo hình dáng như một chiếc kimono. Tên gọi “Ten-musu” là từ giản lược của “Tenpura-omusubi”.

Sake (cá hồi): Miếng cá hồi nướng với một ít muối làm dậy hương vị tuyệt hảo của cơm. Đây là món ăn mà không một người Nhật nào có thể chối từ bởi vẻ ngoài xinh đẹp của sắc vàng óng ánh.

Tuna-mayo (cá ngừ mayonaise): Phần nhân gồm cá ngừ và sốt mayonnaise. Mặc dù là hương vị hoàn toàn mới, ra đời từ các cửa hàng tiện lợi nhưng Tuna-mayo được ưa chuộng không kém Sake.

Yaki-onigiri (cơm nắm nướng): Đây là loại cơm nắm được rưới một lớp nước tương Nhật - shoyu bên ngoài. Sau khi nướng sơ, hương thơm của shoyu nhẹ nhàng lan tỏa khiến bạn chỉ muốn ngốn cho đầy miệng.

Ume (trái mơ): Trái mơ được ngâm với muối và tía tô, có tác dụng diệt vi khuẩn chính là nguyên liệu chủ chốt trong cơm hộp từ thời xa xưa. Gần giống với ô mai, đây là một loại Tsukemono rất chua.

Các bước làm cơm nắm:

- Thấm ít nước sạch vào lòng bàn tay
- Rắc đều chút muối lên lòng bàn tay
- Dùng thìa xới xơm nóng vào lòng bàn tay hơi chụm lại
- Đặt bàn tay còn lại lên trên cơm, tạo hình tuỳ thích


Tạo hình cơm nắm:

Hình tam giác: 
Gấp lòng bàn tay lại thành hình tam giác khi nắm cơm.


Hình chữ nhật: 
Tay phải xoay tròn, tay trái nắm và kéo nhẹ hai đầu.
Hình tròn
Khum lòng bàn tay theo hình tròn và xoay đều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét